Nhà máy điện gió gần bờ lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long: Công trình của khát vọng và kỳ tích
VHDN: Công ty CPNL Hacom Bạc Liêu (ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hoà Bình) là Công ty thành viên của Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom Holdings có trụ sở chính tại Hà Nội, có lịch sử lâu đời trên 15 năm hoạt động trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng và năng lượng sạch.
Chủ đầu tư tổ chức lễ đóng điện vào ngày 19/10/2021
Thực hiện chiến lược “tăng trưởng xanh”, Công ty CPNL Hacom Bạc Liêu, đã đầu tư Dự án Điện gió Hoà Bình 5 – Giai đoạn 1, trên địa bàn xã Vĩnh Thịnh và xã Vĩnh Hậu, với tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng.
Dự án có công suất 80MW với 26 trụ Turbine có công suất từ 3.0-3.3MW. Nhà cung cấp Turbine là Tập đoàn Envision Energy của Trung Quốc đã cung cấp cho rất nhiều dự án năng lượng lớn tại Việt Nam và trên thế giới. Độ cao trụ 140m, sải cánh 76,5m, tổng chiều cao tĩnh không khoảng 218m. Đây là dự án điện gió gần bờ có công suất lớn nhất Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Dự án chính thức khởi công vào ngày 11/10/2020 và đóng điện NM ngày 20/10/2021; phát điện thử nghiệm 4 trụ Turbine đầu tiên ngày 23/10/2021; hoàn thành phát điện thử nghiệm COD toàn bộ 26 trụ Turbine ngày 28/10/2021, công suất phát đạt P50%; công tác thử nghiệm vận hành đường dây 220Kv, 35Kv: đảm bảo và an toàn 100%. Đặc biệt, chính thức được công nhận COD vào 16h ngày 31/10/2021 theo Văn bản số 6713/EPTC-KDMĐ của Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng phục vụ thi công Dự án Điện gió Hoà Bình 5 – Giai đoạn 1
Khi triển khai xây dựng các dự án điện gió trên bờ, nhiều người cho rằng sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn so với các dự án được triển khai xây dựng ngoài khơi. Tuy nhiên, đối với các dự án điện gió trên bờ lại gặp nhiều khó khăn và phát sinh hàng loạt các vấn đề ngoài dự kiến. Như ngoài nền đất yếu phải thi công thử nghiệm nhiều lần làm tăng chi phí đầu tư, bị ảnh hưởng của công tác giải phóng mặt bằng làm chậm tiến độ, các dự án điện gió trên bờ còn gặp khó về giao thông. Bởi hạ tầng giao thông của tỉnh Bạc Liêu không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng vào đến chân công trình. Giải pháp duy nhất là phải vận chuyển các thiết bị bằng đường biển, nhưng để đưa thiết bị này vào đất liền thì hệ thống giao thông thủy phải thông và đủ lớn để các xà lan có tải trọng hàng ngàn tấn di chuyển được. Trong khi, phần lớn các con kênh thủy lợi của tỉnh Bạc Liêu kết nối với biển chủ yếu là kênh nhỏ phục vụ cho việc lấy nước nuôi tôm. Vì vậy Công ty CPNL Hacom Bạc Liêu quyết định làm một cuộc cách mạng trong thủy lợi bằng việc tổ chức nạo vét, khơi luồng và mở rộng các kênh nội đồng thành các con kênh lớn để xà lan có thể vận chuyển thiết bị vào, cũng như xây dựng các bãi tập kết cho các thiết bị siêu trọng này. Ông Đoàn Xuân Thủy, Chánh văn phòng Công ty cổ phần Đầu tư Hacom cho biết: “Theo dự kiến ban đầu, để khơi thông luồng lạch nhằm đưa các trụ Tubine và cánh quạt vào công trình phải mất hơn 6 tháng, nhưng tập thể Công ty cổ phần Đầu tư Hacom đã quyết tâm hoàn thành vượt tiến độ nên đã huy động tổng lực với sự tham gia của các nhà thầu và việc khơi thông luồng lạch chỉ diễn ra trong vòng 40 ngày. Đây thật sự là điều bất ngờ và chúng tôi xem đó là kỳ tích trong xây dựng các công trình”.
Có thể nói, thành công của Dự án đã phản ánh sinh động sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của Chủ đầu tư để hoàn thành Dự án trong vòng 1 năm. Trong điều kiện thi công Dự án gặp nhiều khó khăn, ngoài ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch COVID-19, Dự án còn phải đương đầu với điều kiện về địa chất, vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng, vướng công tác giải phóng mặt bằng, giá nguyên vật liệu và nhân công tăng cao,… nhưng chủ Dự án đã phát động phong trào thi đua trong toàn đơn vị, khơi dậy khát vọng và quyết tâm vượt khó, nhằm đưa Dự án hoàn thành và đóng điện thương mại đúng tiến độ.
Khẩn trương thi công và đẩy nhanh tiến độ dự án vào ban đêm
Kết quả đáng tuyên tuyên dương ấy đã tạo nên những tiền đề, bài học quý báu cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai nhiều Dự án động lực khác trên vùng đất Chín Rồng. Đồng thời, tạo nên những động lực to lớn để chủ Dự án tiếp tục triển khai đầu tư giai đoạn 2 Dự án Điện gió Hòa Bình 5 với công suất: 72MW; Dự án điện gió ngoài khơi Bạc Liêu; Quy hoạch đầu tư Dự án bất động sản tại TP. Bạc Liêu với quy mô 200 ha và nhiều dự án năng lượng sạch khác như: điện gió, điện mặt trời và bất động sản khác trên khắp miền đất nước…
Nguồn: vanhoadoanhnghiepvn.vn